Nội dung
Doanh nghiệp kỳ vọng được chính quyền TP HCM xem xét không thu các loại phí hạ tầng cảng biển, ít nhất đến cuối năm 2021
Thời hạn TP HCM áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP càng đến gần, doanh nghiệp (DN) càng lo lắng không yên.
Thêm gánh nặng
Mức phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM sẽ áp dụng từ ngày 1-7 thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.
Nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng để đầu tư xây dựng, giảm ùn tắc tại những trục đường gần các cảng ở TP, giảm tai nạn giao thông, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển kinh tế TP.
Về lâu dài, các đơn vị vận tải, logistics và DN xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi do rút ngắn thời gian vận chuyển khi hạ tầng giao thông được cải thiện.
Ngay từ khi dự thảo đề án thu phí cảng biển ra đời đến khi được HĐND TP thông qua vào cuối năm 2020, nhiều DN, hiệp hội DN đã có ý kiến kiến nghị TP xem xét giảm mức thu, đồng thời lùi thời hạn áp dụng cho tới lúc thích hợp hơn.
Mới đây nhất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp, kiến nghị bộ này báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP xem xét không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn kinh tế gặp khó do dịch Covid-19, ít nhất đến cuối năm 2021. VASEP đồng thời đề nghị điều chỉnh mức thu nói trên giảm theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách cho TP; yêu cầu TP công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu/chi, chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào.
Theo VASEP, việc thu phí này đang tạo ra nhiều bất hợp lý bởi hiện nay các DN phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Trong đó, DN đang gánh một khoản tiền lớn phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT. “Từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về, tính ra tổng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng, tức với mỗi container hàng, DN phải trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng. Một DN thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu trung bình 3.000 container/năm, phải tốn tới 7,5 tỉ đồng phí qua trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí dịch vụ cảng biển, DN đó sẽ phải chi trả khoảng 5,5 tỉ đồng nữa” – một chuyên gia của VASEP tính toán.
Thực tế, hầu hết DN thủy sản và các ngành hàng khác đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công và tái xuất thành phẩm. Như vậy, DN sẽ phải chịu 2 lần phí cho container hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu. Trong khi hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu hiện nay đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Từ nhiều năm nay, chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực, cộng thêm tình trạng thiếu container rỗng kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến chi phí thuê container tăng vọt, giờ cộng thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19.
Cần linh hoạt điều chỉnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện nhiều hội ngành nghề cho biết đang trông chờ phản hồi từ Chính phủ, UBND TP. Theo các DN, thực tế các chi phí tăng thêm trong khâu vận chuyển, logistics… cuối cùng đều đẩy về DN sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu nên việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển lúc này là dồn thêm gánh nặng cho DN.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP Trương Tiến Dũng cho hay từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh của hầu hết DN tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều chậm. Trong nước, sau Tết, nhiều DN ghi nhận lượng hàng tồn ở các kênh phân phối còn nhiều, buộc phải giảm các đơn hàng kế tiếp. Với đơn hàng xuất khẩu, chi phí tăng lên nên nhu cầu thị trường cũng giảm đáng kể.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết đã kiến nghị UBND TP xem xét hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu của hầu hết DN. Trong đó, kiến nghị TP xem xét giãn thời hạn áp dụng thu phí cảng biển, giảm phí cho các trạm thu phí trên địa bàn. “Đồng ý là đã đầu tư thì phải thu phí nhưng trong lúc DN khó khăn vì dịch Covid-19, chi phí logistics còn rất cao như hiện nay thì cần có sự linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ DN” – ông Chu Tiến Dũng nêu quan điểm.
Doanh nghiệp các tỉnh đổ về TP HCM khai báo?
Không chỉ DN xuất nhập khẩu trên địa bàn TP HCM mà DN tại các tỉnh, thành lân cận có xuất nhập khẩu thông qua các cảng tại TP cũng bức xúc vì DN các tỉnh phải chịu mức phí hạ tầng cảng biển cao gấp đôi so với DN TP. Gần đây nhất, trong văn bản gửi UBND TP HCM, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (ABEI), cho rằng việc áp dụng mức phí cao gấp đôi cho DN mở tờ khai ngoài TP sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP HCM và các tỉnh lân cận. Vì vậy, ABEI kiến nghị TP áp dụng một mức phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt đó là hàng của DN hoạt động tại TP hay tại tỉnh Bình Dương bởi đó đều là DN được thành lập theo pháp luật Việt Nam, được bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.
Một số DN lo ngại sẽ xảy ra tình trạng nghẽn mạng của Hải quan TP khi áp dụng việc thu phí này bởi hàng loạt DN các tỉnh sẽ đổ về TP khai báo hải quan để không phải chịu mức phí gấp đôi.