Bộ GTVT đề xuất nâng mức xử phạt hành chính với hành vi xếp hàng hóa vượt tải trọng cho phép của phương tiện trong vùng đất cảng biển.
Tăng nặng mức phạt hành vi xếp hàng quá tải tại cảng biển
Tại nghị định sửa đổi mức xử phạt hành chính trong các lĩnh vực giao thông lần này, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng xe tại khu vực cảng biển – Ảnh minh họa
Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ và đường sắt; hàng không dân dụng.
Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đã xây dựng khung xử phạt tăng cao so với hành vi xếp dỡ hàng hóa vượt tải trọng của phương tiện trong vùng đất cảng nhằm ngăn chặn hành vi chở vượt tải ngay từ đầu nguồn hàng, đe dọa đến ATGT và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, mức phạt đối với các hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 50% (xe xi téc chở chất lỏng từ trên 20% đến 50%); Xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định được nâng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng lên từ 1 – 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%. Mức xử phạt hiện hành là 1 – 2 triệu đồng.
Hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100%; Chất xếp hàng siêu trường, siêu trọng không đúng nội dung trong Giấy phép lưu hành cũng được đề xuất tăng từ 3 – 4 triệu đồng lên 5 – 10 triệu đồng.
Đặc biệt, nghị định mới bổ sung thêm mức xử lý đối với hành vi chất xếp hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng đã hết giá trị sử dụng là từ 10 – 20 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quá tải trọng trên là buộc phải hạ phần hàng xếp vượt quá trọng tải cho phép chở của xe ô tô trong trường hợp xe ô tô được xếp hàng chưa rời khỏi khu vực xếp hàng.
Bên cạnh kiểm soát tải trọng phương tiện, dự thảo nghị định mới cũng tăng nặng mức phạt đối với công tác kiểm soát tải trọng hàng hóa sai quy định.
Trong đó, khung xử phạt đối với hành vi không cân xác nhận khối lượng toàn bộ container hoặc cân xác nhận khối lượng toàn bộ container không đúng phương pháp theo quy định nâng từ 5 – 10 triệu đồng lên 10 – 20 triệu đồng (ngang bằng với vi phạm không xác nhận hoặc xác nhận không đúng khối lượng toàn bộ container theo quy định.